Văn

NHỮNG GIÒNG GIAO CẢM VỀ NỮ THI SĨ UYÊN THUÝ LÂM

Nguyễn Triệu Việt

Người viết hân hạnh gặp chị Uyên Thúy Lâm (UTL) trên Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do (VNTD) tại Florida từ lúc mới bắt đầu, vào khoảng tháng 2/2011, qua đó chúng tôi cùng nhau sinh hoạt văn chương, thi phú, văn nghệ đủ loại… trong tinh thần Người Việt tha hương. Tôi có cảm tưởng mình gặp được một cánh hoa lạ, rất tươi đẹp trong vườn thơ với những lời thơ rất lãng mạn, nồng ấm, tuyệt vời… nhưng chẳng biết chị là ai. Thôi thì cứ để thời gian trả lời vậy…

Ngày nọ bất chợt tôi được làm quen với chị qua một bài thơ theo thể Song Thất Lục Bát (STLB) xuất hiện trên Diễn Đàn VNTD làm chị nhớ đến các áng thơ cổ tuyệt mỹ như Chinh Phụ Ngâm, Cũng Oán Ngâm Khúc v.v… mà chị đã từng học thời trung học và sau này tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm cũng như đã một thời bước chân qua Giảng đường Trường Luật ở đường Duy Tân để trở thành cô giáo dạy học. Từ đó tôi cảm nhận trọn vẹn chị là một nhà thơ đầy phẩm chất tại hải ngoại.

Qua rừng thơ của chị, người viết cảm nhận chị đã có đủ đề tài để chia sẻ về mọi mặt: Những trầm tư về thân phận con người, cảnh trùng điệp của thiên nhiên, núi rừng, biển cả… Các bài thơ ca ngợi Tình Yêu, Tình Quê Hương, Tình Chiến Sĩ, Tình Đồng Bào Tỵ Nạn và trên hết là Tinh Thân Quốc Gia vẫn luôn ngời sáng trong tâm hồn của chị.

Đặc biệt chị làm đủ mọi thể thơ. Nào Đường luật (Thất Ngôn Bát Cú) kể cả Xướng và họa; nào Tứ tuyệt, Lục bát, Song thất Lục bát v.v… Và nhạc thì đã có các Nhạc sĩ LMST, Cung Đàn phổ nhạc một số bài…

Xin mời quý vị hãy thưởng thức vài vần thơ ngũ ngôn trong bài Tình Một Thuở Còn Vương – mượn vần bài “Thuở Làm Thơ Yêu Em” của Nhà Thơ Trần Dạ Từ.

Tình Một Thuở Còn Vương

Hoàng hôn buông tóc em,
Thương tím nâu màu áo.
Nắng đổ bóng bên thềm.
Hoa xoan rơi bờ dậu.

Chìm sâu trong tâm thức
Đâu còn nữa bao giờ.
Xưa mơ duyên tơ tóc
Nay tình chỉ bâng quơ…

UYÊN THÚY LÂM

Như khi diễn tả về cảnh đẹp thiên nhiên hòa nhịp với tâm hồn con người, chị rung cảm qua bài thơ Tứ tuyệt Sắc Màu như sau:

Sắc màu

Có phải mầu xanh của núi rừng
Của cành thông biếc lúc sang xuân
Của ngàn cây lá và hoa nữa
Em ở bên ta lúc… ngập ngừng…

……………………………………..

Đôi mắt đen huyền trong bóng đêm
Làn mi cong chớp khẻ ngoan hiền
Rồi mai gió cuốn chim bay mỏi
Đổ bến, thuyền neo sông mắt em…

Khi nói về Tình yêu, chị đã có những giòng thơ lãng mạn, thay lời một người tình viết những lời thương trên cát, trên lá, trên núi đá, bên giòng suối hay bên biển chiều… qua các giòng thơ Tứ tuyệt mơn man…

Viết tên em

Anh viết tên em trên cát,
Sóng biển muôn đời xóa đi.
Viết tên em trong lời hát,
Lời nào cho buổi phân ly.

Anh viết lời thương trên lá,
Xuân sang tươi mầu lá non.
Qua mưa đông, vàng nắng hạ
Tình si dại mãi như còn…

Hay như bài Lối Thu Xưa, người chinh phụ đang mòn mỏi trông chờ, đêm đêm ấp ủ mộng mơ, mong người xưa trở về kết duyên cùng năm tháng…

Lối thu xưa

Anh thương nhớ, thật lòng anh có biết:
Đến bao giờ em mới được sẻ chia.
Bởi anh xa, mùa thu chưa về kịp
Trời phương em man mác nỗi chia lìa.

Gió sẽ chuyển đến anh niềm nhung nhớ,
Chút mây xa tươi sắc nắng quan hà
Anh về đi, trăng thu vằng vặc tỏ,
Bên đời nhau ngày tháng mãi đơm hoa

UTL

Hay khi nói về người yêu vì chinh chiến phải lên đường ra mặt trận, chị đã nói lên niềm chia cách phân ly và người ở lại đã hy sinh người thương của mình cho sông núi để mong có ngày đất nước tàn binh lửa trong chiến thắng rạng ngời… như trong bài thơ Tứ tuyệt Đoàn Quân Đi chẳng hạn với cách gieo vần trắc /vần bằng theo từng cặp đôi thật hào hùng, bi tráng:

Đoàn Quân Đi

Đường hành quân sục sôi miền nắng cháy
Ta biết em ngóng chờ tin chưa lại
Đồng đội còn bên chiến lũy hào sâu
Nên đôi ta vẫn cách bến giang đầu!

………………………………….

Trong gió lộng vang vó câu chiến mã
Nắng cháy da hay mưa rừng tơi tả
Tận hiến thân này cho đến tàn hơi
Đâu thể buông gươm súng ngủ bên trời!

Hơn thế nữa, người viết lại may mắn đọc được một bài thơ tứ tuyệt có tựa đề là Tình Người Cô Phụ mà chị đã mào đầu như sau:

“Sau ngày mất nước, có biết bao nhiêu cuộc đời vô vọng, có biết bao nhiêu cuộc tình ly tan, đổ vỡ, chia lìa. Người đi chiến trận không về. Người ở lại mỏi mòn thương nhớ! Kính được chia sẻ đến Quý Anh Chị chút nỗi niềm của người cô lẻ với bài thơ Tình Người Cô Phụ”:

Tình Người Cô Phụ

………………………………………..

Tin chiến trận đêm ngày loang máu lửa
Anh miệt mài nơi núi thẳm rừng sâu
Chiều hành quân qua lưng đồi tre nứa
Nhớ thắt lòng đôi mắt lệ hoen sầu.

Em vẫn chờ ba mươi năm cô lẻ
Thu sang đông mấy độ tóc phai tàn
Cuộc phù sinh còn ghi lời ước thệ
Giữ tình anh đi trọn kiếp nhân gian!

(UTL 05/2011)
Thật tình mà nói, ngay từ khi đọc được bài thơ đầu tiên nói trên của Thi hữu UTL, người viết đã cảm nhận đây là một tài năng thi phú đặc biệt và chắc chắn có một chỗ đứng vững vàng trên thi văn đàn.

Cái hay của Thơ UTL trước hết, luôn thể hiện được tinh thần quốc gia cao cả của một người con dân Việt, của một chinh phu hay chinh phụ, luôn gắn bó với vận nước và xót xa thân phận người ra đi, lúc nào cũng đề cao, nhớ ơn những người chiến sĩ QLVNCH và Tổ quốc đã chở che, đùm bọc mọi người dân trên đất Việt thân yêu trước 1975 như bài thơ Tình Người Cô Phụ vừa đề cập.

Riêng về chuyện thi văn, lúc nào cũng thấy chị UTL dùng từ rất duyên dáng, mặn mà, trau chuốt, ngọt ngào, gợi cảm, đầy nét sang cả mà đằm thắm trong từng bài thơ. Cứ như là chị đã bỏ công tìm kiếm những lời hay ý đẹp để gieo hạt trong vườn thơ và vần điệu thi đâu ra đó, niêm luật gắn bó hết chỗ chê. Hay là vì chị đã từng là cô giáo trung học nên đã quen theo khuôn vàng thước ngọc của thơ văn mà gieo lên những vần thơ hay như vậy?

Vì thế khi đọc lên, người viết cảm thấy vô cùng cảm khái, nhất là vào buổi sáng pha một tách trà thơm, rồi mở từng trang thơ ra đọc, đọc được bài thơ hay của UTL là đủ để một ngày làm việc không mệt mỏi. Đến mức mà một người chiến sĩ anh hùng ở đất Bình Thuận, Bình Tuy là anh Lê Phi Ô (SJ), cựu Tiểu Đoàn Trưởng ở vùng Rừng Lá đã phải thốt lên:

“UTLâm có cái gì đó hơi lạ lạ, trong câu thơ có…chất lính trong đó hoặc chất giọng của nhi nữ không phải thường tình mà là nhi nữ anh hùng. Tôi đi gần suốt cuộc chiến, cho đến bây giờ những ngày cuối đời với những khoắc khoải, những hoài niệm của quá khứ xa xăm….

UTLâm đã bất ngờ làm sống lại dĩ vãng trong tôi khiến tôi nhớ lại câu thơ mà ai đó đã viết “Chàng trai trẻ đã không còn trai trẻ – Bỗng bừng bừng tim óc mộng kiếm cung!”. Cám ơn đời, cám ơn người,cám ơn UTLâm đã nhắc cho tôi…biết rằng tôi đã sống một cuộc đời đáng sống, để đến bây giờ tôi không cảm thấy hổ thẹn với núi sông!” (LPO–23/05/11)

Ngoài những đề tài Tình yêu vừa nói trên, sau cơn Quốc nạn 30/04/1975, chị UTL cũng hòa nhịp với hàng triệu con tim khi bao thảm cảnh nghiệt oan đã đổ lên đầu những thuyền nhân vô tội. Bài thơ viết theo thế thơ tự do sau đây của chị đã nói lên hết những thảm cảnh đó làm người đọc phải rơi nước mắt xót xa…

Bước chân VN

Bước chân thuyền nhân
Mang bao người ra khơi
Dù phải làm mồi cho sóng dữ
Đói khát phong ba hải tặc tơi bời !
Bước chân thuyền nhân
Mang Việt nam ra khơi
Xa lánh loài bạo ngược
Sâu bọ làm người.

…………………

Tháng Tư đen xua vạn người ra biển
Gửi mệnh đời trên thuyền lá đơn sơ
Mẹ già vợ yếu con thơ
Ba người đi chỉ một người tới bến
Galăng, Bidong, Songkhla ai đến
Ai muôn đời chìm đáy nước, san hô
Khép mắt xuôi tay, thủy táng hải mồ !
Làn sóng người vẫn âm thầm rắn rỏi

UTL

Và với một tấm lòng quốc gia yêu nước trung trinh, chị UTL đã thể hiện rất nhiều qua các bài thơ, đặc biệt như bài họa sau đây theo thể Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật, là một thế thơ của lớp người cũ, rất khó làm vì phải tuân theo luật niêm vận, đối chát thật chặt chẽ. Tuy thế chị cũng đã vượt qua một cách vững chãi, tài tình. Điều này chứng tỏ chị có một căn bản vững vàng về thế thơ ĐL. Và qua bài thơ sau đây, chị cũng tỏ ra là một trang nữ kiệt miền Nam.

Hùng Khí Giống Tiên Rồng

(Họa thơ NXVạn)

Dân Nam chí khí vững tâm đồng
Tổ Quốc con tàu hướng biển Đông
Mấy độ Hoàng Sa tràn sóng cả
Bao phen Bản Giốc tách non sông
Trưng Vương, Hưng Đạo danh ngời rạng
Sông Hát, Bạch Đằng giặc hóa ngông
Bị trị ngàn năm còn đánh đuổi
Hán gian! Đừng động giống Tiên Rồng.

UYÊN THÚY LÂM (27/06/11)

Trở về trang sử cũ, chị có một bài thơ nói về một mối tình đẹp nhưng rất đỗi đau thương, bi thảm của công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy. Bài thơ tựa là Tình Sử Cổ Loa Thành:

Tình Sử Cổ Loa Thành

Trong cung cấm sao chàng lặng lẽ
Không cười vui bên thiếp hiền ngoan
Chung mỹ tửu chiều nay ướp lệ
Chàng không vui, lòng thiếp ngỡ ngàng
……………………………………..
Phụ tình chàng quên cả ân sâu
Mưu đồ tham vọng giết đời nhau
Nàng sống trọn lòng không giới hạn
Tình sử ngàn năm tiếc Mỵ Châu.

UTL

Quá yêu chồng, Mỵ Châu đã vô tình để Nỏ thần rơi vào tay giặc, làm đổ nát giang sơn trước âm mưu thâm độc của cha con Trọng Thủy! Gương của người xưa còn đó! Muốn giữ gìn non sông đất nước của Tiền Nhân để lại, phải sáng suốt Cảnh Giác trước mưu ma chước quỷ của kẻ thù tham tàn, thâm độc. Bài học cảnh giác vẫn là bài học có giá trị ngàn năm như Bài thơ Tình Sử Cổ Loa Thành của chị.

Ngày nay, nào Tây Nguyên bô xít, nào đô thị Bình Dương, nào Hoàng Sa & Trường Sa, nào Ải Chi Lăng, nào Thác Bản Giốc đang dần mất vào tay giặc bá quyền Phương Bắc v.v… mà tội lỗi này thì không phải do những người phụ nữ chân yếu tay mềm như Mỵ Châu gây ra mà chính là những người đang ngồi ngất ngưởng trên đỉnh quyền lực của cái chóp bu nghiệp bá của giang sơn Việt.

Nhưng bên cạnh cái đáng trách của Mỵ Châu, vô tình làm tan tác cả non sông, nghiệp đế của Cha (mà nàng đã phải trả giá quá cao bằng cả mạng sống của nàng – bị Cha chém đầu!) thì còn một khía cạnh đáng THƯƠNG: đó là tình yêu và lòng tin tưởng tuyệt đối vào người chồng (phản trắc Trọng Thuỷ).

Tôi nghĩ chị UTL cũng là một phụ nữ, cũng là đàn bà, nên chắc đã thật sự thương cảm Nàng, và đặt nhiều Tình Cảm, nỗi xúc động vào bài thơ nói trên. Như vậy trên đời này, khi đã đặt tình yêu tuyệt đối vào người chồng đầu ấp tay gối của mình thì có lẽ cái “dại dột, non nớt, không lường trước tai họa…” chắc không riêng chỉ một mình Mỵ Châu mắc phải thôi đâu”!?

Tình chàng dù nặng nghĩa Cha sâu
Ôm ấp oan kia đến tận đâu
Nỏ thiếu móng thiêng rùa lẫn bóng
Trai chìm đáy nước lệ hoen châu….

Về các thể thơ, hầu như chị không loại bỏ thể thơ nào ra khỏi trang thơ của chị. Nhưng theo tôi, thể thơ Tứ tuyệt có thể nói là sở trường của chị đã thể hiện qua nhiều đề tài vừa kể trên. Thường thì khổ thơ 7 chữ (thất ngôn tứ tuyệt) thể hiện trong hầu hết các bài thơ của chị như Sân Ga Tiễn Biệt, Sắc Màu, Thanh Âm Ngày Cũ, Như Cảnh Vạc Bay… Có khi 6 chữ như bài Viết Tên Em, có khi 8 chữ như bài Lối Thu Xưa, Ánh Mắt…, có khi là ngũ ngôn 5 chữ như bài Tình Một Thuở Còn Vương giới thiệu ở phần đầu.
Tuy Tứ tuyệt là sở trường của chị, nhưng Lục bát của chị cũng tuyệt vời không kém, đã thể hiện qua các bài thơ Lục bát như Mấy Giòng Dư Âm, chị đã dùng các nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đố để tạo nên bài thơ thanh nhạc muôn màu muôn vẻ. Hay như bài thơ Ân Tri Ngộ, Hạt Bụi, Thư Gửi Em… và bài Em Đi sau đây đã gieo lên khúc nhạc tương tư, chia ly nhịp cầu Ô Thước, man mác hồn thơ Kiều của cụ Nguyễn Du Tiên sinh:
EM ĐI

Em đi, cánh bướm bay xa,
Nghe hơi giá lạnh vừa qua hiên ngoài.
Đơn côi tháng rộng năm dài,
Giấc mơ hồn bướm, mộng ngoài Trang Chu.
Đường lên non biệt sương mù,
Tìm nhau, thôi đã nghìn thu chia đường…
………………..

Một cái tài khác của chị mà ít người làm được, là chị đã dùng rất nhiều địa danh, tên tuổi các vùng đất thân thương của Quê hương mà gieo lên bài thơ có tựa đề Lang Biang Đón Bước Em Về tả về một buổi chiều ở Đà lạt với vài nét chấm phá như sau:

Lang Biang Đón Bước Em Về

Qua đèo Prenn thoáng như say
Hồ Xuân Hương lạnh trời mây giăng sầu.
Vườn Bách thú đã bao lâu…
Pongour thác bạc trắng mầu thời gian?
Cà phê Thủy Tạ sương ngàn
Phở Tùng buổi ấy vội vàng chia tay.
Trúc Lâm Thiền Viện sương bay
Ta còn lặng đứng đợi ai bên hồ.
Chùa Sư Nữ những chiều mơ
Vượt qua dốc Thái Phiên chờ bước em.
Thương sao tình quá truân chuyên
Đồi Thông Hai Mộ lỡ duyên kiếp này!
…..

Thơ của chị đã được một số nhạc sĩ ái mộ như bài Sân Ga Tiễn Biệt, và Thiên Thu do Nhạc sĩ Lão Thành LMST phổ nhạc. Hoặc bài Vườn Hương Cổ Tích (VHCT) do Cung Đàn phổ nhạc. Đặc biệt bài VHCT, lời thơ thật phiêu du, đắm say, ngào ngạt như bước vào chốn Thiền ca, gợi cảm hồn thơ, hồn nhạc vào tận Vườn Hương Cổ Tích… Theo người viết, đây là một trong những bài thơ tuyệt diệu của chị UTL.

VƯỜN HƯƠNG CỔ TÍCH *

Ngồi bên nhau trăng tỏa sáng vườn xưa
Nói với em hương tách trà buổi sớm
Rồi được nghe những ân tình thắm đượm
Em cùng tôi trong vườn mộng trăng đầy.

Mới hôm nào mình chung bước đến đây
Trăng sáng tỏ trải trên vườn trúc bạch
Ngước ánh nhìn cành trúc nghiêng lau lách
Đẫm hồn trăng thành bức thủy mặc buồn.

Buổi hoàng hôn vang vọng tiếng chuông buông
Ngôi cổ tự trong vườn hương u tịch
Trầm mặc khẻ bước chân vào cổ tích
Em nghe chăng tình khúc dưới trăng ngàn…

Mai ngày lên xao động bóng trăng tan
Màu nắng mới xóa mờ vầng nguyệt khuyết
Ta có nhau trong phút giây diễm tuyệt
Giữa đất trời hương ngát nhánh hoàng lan.

Quên thời gian qua ảo ảnh mênh mang
Tâm thức nhẹ trôi vào vùng miên viễn
Hướng cõi giới bao la và thánh thiện
Ta cùng nhau đi đến phía trăng vàng…

UYÊN THÚY LÂM

Tóm lại, Thơ của Thi hữu UTL mở ra một khung trời tình tự bát ngát, bao la, man mác hồn sông núi, ôm ấp cả tình người trong cô đơn muốn tìm về với nhau tung tăng nguồn hạnh phúc, hòa hợp với thiên nhiên, với những cảnh đời hào hùng và oan nghiệt… mà con người đã trải qua.

Thơ của chị sang cả, tuyệt vời. Chữ nghĩa lồng lộng diễm ảo như khói sương, đủ để đắm say lòng người lữ thứ. Mỗi bài thơ của chị chẳng khác nào một bức tranh tuyệt mỹ, một bản nhạc líu lo dễ ru hồn người vào những cơn say mộng mị, những sảng khoái bất ngờ. Người đọc rón rén bước vào khu vườn thơ để nhìn ngắm ngàn vạn bông hoa đủ màu, đủ hương, đủ sắc tươi tắn nở… Người nghe cũng nhè nhẹ chân bước vào khu vườn thanh nhạc thật im ắng để lắng nghe những cung bậc âm thanh thiết tha, dìu dặt rót vào hồn người lữ thứ…

Nhưng trên hết những xúc động chân tình đó, ngòi bút của chị UTL như ngọn sóng triều dâng, mặc nhiên hiển hiện trên thi văn đàn khắp chốn, chẳng riêng gì ở Boston – nơi chị đang dừng bước tạm dung đã từng nở hoa, mà còn trên thi văn đàn thế giới nói chung được thưởng thức hương vị ngọt ngào vườn thơ của nữ thi hữu có cái tên thật xinh xắn Uyên Thuý Lâm.

Mời quý vị bước chân vào vuờn hoa thi ca. Một đóng góp thật xứng đáng vào nền văn hóa, văn học hải ngoại trong giòng sống tha hương vẫn tiếp tục nở rộ đến muôn đời./-

* Nguyễn Triệu Việt