Thơ

TRƯNG NỮ VƯƠNG

          TƯỞNG NIỆM TRƯNG NỮ VƯƠNG
 
Hôm nay ngày 18 Tháng 3 Năm 2021, đúng vào ngày GIỖ HAI BÀ TRƯNG mồng 6 Tháng 2 âm lịch.
Chúng con xin thắp nén hương, cúi đầu Tưởng niệm đến công đức của hai Vị Anh Thư oanh liệt, đã nêu gương oai hùng khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm.
***** / / *****
Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước Việt Nam có nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu chống ngoại xâm, bảo vệ và thống nhất đất nước, trong đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, con gái quan Lạc tướng Mê Linh,thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn – Ba Vì – Sơn Tây . Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Bà dạy cho con nghề trồng dâu, nuôi tằm; dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khỏe và võ nghệ.
 
Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, dũng cảm, mưu trí. Chồng bà là Thi Sách, con trai quan Lạc tướng huyện Chu Diên. Gia đình Thi Sách là một gia đình yêu nước, có thế lực ở đất Chu Diên.
Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn được nhân dân Mê Linh tin phục. Cũng như đông đảo người dân bị áp bức, chị em bà rất căm thù cuộc sống duới sự bạo ngược của viên thái thú nhà Đông Hán là Tô Định. Chính sách bạo ngược này đã áp bức, bóc lột hành hạ toàn bộ người Âu Lạc, từ lạc tướng cho đến người dân đen cùng khổ.
Tháng 2 năm 40 bà Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát thuộc địa phận huyện Phúc Thọ. Những người yêu nước khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến đánh Luy Lâu (Bắc Ninh) – thủ phủ của chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ. Chế độ áp bức của nhà Hán bị quật đổ, Luy Lâu được giải phóng.
 
Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng ở khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã giải phóng được 65 huyện thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó.
Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập.
Bà Trưng Trắc được suy tôn làm vua – Trưng Vương – đóng đô ở Mê Linh…
 
Ba năm sau, Tháng 11 Năm 43, Mã Viện mở đường qua Tạc Khẩu ( Ninh Bình) tiến quân vào Cửu Chân đàn áp nghĩa quân. Các thủ lĩnh địa phương cùng nhân dân nơi đây tiếp tục chiến đấu anh dũng.
Hàng trăm thủ lĩnh, hàng ngàn nghĩa quân bị Mã Viện tàn sát. Đất nước ta lại mất quyền độc lập.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại độc lập cho đất nước trong gần 3 năm nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa ấy lại vô cùng vĩ đại. Lòng yêu nước và gương anh dũng của hai Bà đời đời bất diệt.
 
Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta; thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”… ( Theo Wikipedia )
 
 
          TRƯNG NỮ VƯƠNG
 
TỪ MÊ LINH TA VỌNG NHỚ VUA BÀ
ĐÁNH QUA TÀU, ÔI NỮ TƯỚNG QUẦN THOA.
CHIẾM HIÊN NGANG SÁU MƯƠI LĂM THÀNH LUỸ
ĐỘNG ĐÌNH HỒ SÓNG NƯỚC CÒN DƯ BA.
 
                    Thơ  HÀ HUYỀN CHI
 
           Tranh Thơ TRƯNG NỮ VƯƠNG