Thơ,  Tranh Thơ,  Văn,  Video

Bài thơ HOÀNG HẠC LÂU

LẦU HOÀNG HẠC

Thơ HOÀNG HẠC LÂU Tác giả THÔI HIỆU
Tranh Thơ LẦU HOÀNG HẠC / Uyên Thúy Lâm

********

Hoàng Hạc Lâu là một trong bốn ngôi tháp ngắm cảnh nổi tiếng ở Trung Hoa, gồm Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán, Nhạc Dương Lâu ở Nhạc Dương, Đằng Vương Các ở Nam Xương và Bồng Lai Các ở Bồng Lai.

Lầu Hoàng Hạc được xây vào năm 223 Tây Lịch, thời Tam Quốc. Tôn Quyền cho dựng ngôi lầu trên nền đá Hoàng Hộc với mục đích quan sát quân tình và thuyền bè. Trải qua biết bao thăng trầm và những biến động, Hoàng Hạc Lâu vẫn đứng vững với tên gọi “giang sơn đệ nhất lầu”. Có lẽ phải bắt đầu từ danh xưng “Lầu Hoàng Hạc “. Tương truyền dân gian thường thấy tiên nhân xuất hiện cỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Và dĩ nhiên không thể thiếu những bài thơ nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Lầu Hạc Vàng này. Trong đó nổi tiếng nhất là bài “Hoàng hạc Lâu” của Thôi Hiệu.

Vừa hùng vĩ vừa mỹ lệ, Lầu Hoàng Hạc ngày xưa là điểm dừng chân của tao nhân mặc khách. Khách đứng ở trên lầu cao nhìn xuống dòng Trường Giang sương khói mênh mang bát ngát, bên kia sông là một giải núi non uốn lượn như con rồng nằm. Trong khung cảnh hữu tình như thế: rượu chưa uống đã say, thơ chưa ngâm đã tràn. Khách thơ chẳng ngại ngần vung bút một đôi câu. Ngoài Thôi Hiệu (崔顥), đề thơ “Hoàng Hạc Lâu” tại chỗ, Lý Bạch (李白) cũng đã từng nhiều lần ghé lại tháp. Lần đầu đọc xong bài thơ “Hoàng Hạc Lâu”, Lý Bạch buông bút than rằng:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.”

(Thấy cảnh đẹp trước mắt mà không nói đươc, bởi vì trên đầu ta Thôi Hiệu đã đề thơ rồi!).
Tuy vậy, Lý Bạch không thể nào không viết về “Hoàng Hạc Lâu” trong những lần ghé thăm sau đó. Có thể là do cái thôi thúc của thi nhân “tức cảnh sinh tình”, cũng có thể là muốn tranh tài múa bút với Thôi Hiệu. Điển hình là bài “Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”, được đánh giá là một trong những bài hay nhất có liên quan tới “Lầu Hạc” này.

Tại Lầu Hoàng Hạc Tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
___________________________

BÀI THƠ HÒANG HẠC LÂU

HOÀNG HẠC LÂU

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tĩnh xuyên lịch lịch Hán Dương Thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tác giả THÔI HIỆU

Một vài BẢN DỊCH:
Bài thơ dịch của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

LẦU HOÀNG HẠC

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa.
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh, cây bày.
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

TẢN ĐÀ dịch

***
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu Hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn;
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng;
Xanh ngút châu Anh, lớp cỏ dầy.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.

NGÔ TẤT TỐ dịch

***
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm;
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dầy.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy;
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

TRẦN TRỌNG SAN dịch

Nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc bản dịch của Vũ Hoàng Chương:


________________

Từ xưa đến nay, hoài cổ luôn là cái nghiệp của thi nhân. Bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của bà Huyện Thanh Quan:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
nước còn cau mặt với tang thương.”

Bài “Hoài Cổ” của Nguyễn Khuyến có câu:
“Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,
Mây trắng về đâu nước chảy xuôi.”

Hay bài “Xích Bích Hoài Cổ” của Đỗ Mục vơi bốn câu:
“Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều.”

(dịch: mũi kích dưới cát chưa hao mòn, tự tay mình mài dũa nhận ra dấu vết triều đại trước, nếu không có gió đông giúp Chu Du, thì lầu Đổng Tước đã giam hai nàng Kiều.)
Thấy cảnh mà nao lòng! Qua những câu thơ trên, thi nhân đã nói lên được cái vương vấn khắc khoải, ngậm ngùi qua thời gian.
Bài “Hoàng hạc Lâu” mở đầu bằng bốn câu phá cách. Thôi Hiệu bỏ niêm luật và vần qua một bên. Hai chữ “Hoàng Hạc” được lập lại ba lần. Câu thứ ba liên tục sáu thanh trắc. Thôi Hiệu thuận chiều cảm xúc mà lai láng, nhẹ từ mà nặng ý. Thi nhân bỏ qua ràng buộc “đối” ở câu 3 và 4. Cả sáu câu trên tả cảnh, tả tình dàn dựng khéo léo để cho hai câu kết gói ghém lại, chữ dùng vừa đẹp vừa cảm xúc. Dùng chữ “sầu” để kết bài thơ thì đúng là bút pháp của thi tiên vậy. Bài thơ tuy đã đọc xong mà vẫn còn cái cảm giác hơi thơ bay xa đến dòng Hán Thủy.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hai câu dịch cuối của Tản Đà thật khéo vì giữ được cả ý lẫn hơi thơ.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Lúc còn trẻ, Thôi Hiệu sống phóng túng, đã từng làm quan. Lúc đó Ông đã có những bài thơ diễm tình theo đường hướng cảm xúc. Có nhiều người không thích ông. Sau khi đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông có những thay đổi về nhân sinh, nhất là khi nhìn thấy những cảnh cơ cực ở vùng biên tái. Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” được ra đời ở lúc sau này.

Cánh hạc đã bay đi mất.  Người xưa cưỡi hạc không còn nữa. Bãi cỏ Anh Vũ sau bao năm tháng đã bị nước cuốn đi.  Ngay cả ngôi lầu cũng bị dời đi vào đất liền.  Khách thưởng lãm không còn được đứng ở trên cao nhìn xuống dòng Trường Giang sương khói “cho buồn lòng ai”.  Hàng cây Hán Dương rực sáng năm xưa giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng người đọc thơ.

Cuối cùng chỉ còn lại bài thơ là chứng nhân chung thủy duy nhất của một phút chạnh lòng.  Thi nhân, sau cơn mưa chiều, đứng trong ngôi tháp cổ nhìn xuống dòng Trường Giang mênh mang đổ ra biển, sau lưng là Xà Sơn, trên đầu mây trắng ngàn năm vẫn bay (bạch vân thiên tải).  Tất cả thoát thai trở thành tuyệt xướng cho ngàn năm sau trầm trồ (thiên cổ tuyệt xướng).

UYÊN THUÝ LÂM

____________________

Nguồn:
(1) Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia
(2) Lý Bạch và Bài Thơ Hoàng hạc Lâu, trang Góc Trời Viễn Xứ
(3) Hoàng Hạc Lâu: ‘Thiên hạ tuyệt cảnh’ của vùng Vũ Hán bây giờ ra sao?, trang NTD Việt Nam