CA KHÚC MẦU NẮNG LỤA: Hợp Lưu D ân Ca Nam Kỳ và Âm Nhạc Tây Phương
BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ TRẦN THU MIÊN
Mùa Xuân 2021
Tôi lớn lên trong một làng Công Giáo quy tụ toàn dân miền Bắc di cư vào Nam nên không được nghe Đờn Ca Tài Tử, Vọng Cổ, và xem tuồng Cải Lương. Dường như danh từ Cải Lương thường được dùng với ý không đẹp để chê bai một cử chỉ, cách ăn mặc, lời nói dị biệt, hay làm dáng quá lố. Ngược lại tôi chỉ được nghe những câu kinh ngân nga lê thê đến buồn tẻ hay vài câu ca dao ngắn gọn được mẹ hay chị à ơi ru mình ngủ thời thơ ấu. Bố Mẹ tôi gốc nông dân nghèo miền Bắc nên không biết đến hát Ả Đào, hát Cô Đầu, và hát Quan Họ vân vân. Dân ca miền Bắc duy nhất tôi được nghe có lẽ là giai điệu ru con à ơi. Ngày bé tôi thường nghe Bố tôi nghêu ngao mấy câu vè ca dao lúc ngài đứng bên bờ giếng rửa tay chân sau một ngày vất vả ngoài ruộng đồng. Nghe nhiều nên tôi còn nhớ lõm bõm vài câu Bố hát theo giai điệu ru con.
Bồng bồng/ bông bống/ bang bang!!!
Bồng con bế cái/ ơ / trẩy ra Hải Phòng!!!
Ra đi nước mắt/ ơ / ròng ròng!!!
Nhớ làng nhớ xóm/ ơ / nhớ đồng / ơ / lúa / ơ ớ ờ / xanh!!!
Anh tôi bảo bài vè còn 6 câu nữa, nhưng Bố đã không hát vì đó là những lời tuyên truyền cố ý đánh vào tâm lý dân quê khuyên họ bỏ ý định di cư vào Nam. Nhiều người trong chúng ta nhớ mãi những bài hát hay những câu ca dao nghe từ thời thơ ấu, và cũng có giai điệu hay lời ca đã khắc ghi vào tâm khảm ta mà cả đời dường như không quên. Chả vậy mà đại triết gia Aristotle hơn hai ngàn trước viết trong trước tác Politics đã xác nhận công dụng quan trọng của âm nhạc trong việc giáo dục.
Trong Dân Ca Miền Nam Việt Nam, bài hát Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu được xem như khuôn vàng thước ngọc của Vọng Cổ-Cải Lương. Trong Âm Nhạc Tây Phương, có nhạc sư nhận xét rằng 4 nốt nhạc khởi đầu bài giao hưởng số 5 của Bethoven đã ảnh hưởng đến não bộ các nhạc sĩ và nền âm nhạc Tây Phương hơn 200 năm rồi và ảnh hưởng này sẽ còn mãi với thời gian. Khi bài giao hưởng này được trình tấu lần đầu, nhiều nhà phê bình đã đánh gia thấp vì Bethoven không theo khuôn khổ mẫu mực của một bài giao hưởng truyền thống. Nhạc sĩ và học giả âm nhạc Matthew Gurrieri đã biên soạn rất công phu về 4 nốt (Đa đa đa đà… Đa đa đa đà ) trong tác phẩm tựa đề “The First Four Notes: Beethoven’s Fifth and the Human Imagination.” Tôi không có ý so sánh Cao Văn Lầu với Bethoven, nhưng cả hai vị này đã vượt ra ngoài những khuôn mẫu căn bản hay suy nghĩ theo bài bản có sẵn và nhờ vậy tác phẩm của họ đã để lại những dấu ấn vượt thời gian.
Tìm Về Vọng Cổ. Một lần, người viễn xứ về thăm quê nhà, dừng chân lại Sài Gòn giữa mùa trăng tháng Sáu bàng bạc lu mờ, nằm trăn trở trên giường khách sạn Saigon Palace, cố dỗ giấc ngủ dù đã mệt nhoài vì cuộc hành trình dài. Tâm hồn người viễn xứ tràn ngập những bất an, rối bù mớ kỷ niệm thời niên thiếu lẫn lộn buồn vui dính liền với kinh hoàng, đổ vỡ, chết chóc tang thương từ thời chinh chiến năm xưa. Giữa đêm trằn trọc, (người viễn xứ) bất chợt nghe được tiếng hát Vọng Cổ từ làn sóng Ngắn của một Kênh Radio Việt Nam, và đã rơi vào giấc ngủ rất hồn nhiên lúc nào không hay. Rồi cả chục năm nay dư âm tiếng hát Vọng Cổ ấy vẫn còn văng vẳng trong tim mình dù chẳng nhớ nổi lời ca tiếng đàn. Người viễn xứ ấy chính là tôi, và phải đợi đến lúc tóc nhuộm mây trời mới biết yêu vọng cổ vì từ thời thơ ấu đến trưởng thành không được nghe nên chẳng hề biết yêu giai điệu Miền Nam ngọt ngào trữ tình này. Đúng là “vô tri bất mộ.” Không biết thì sao mà yêu được.
Chủ ý bài này là giới thiệu ca khúc “Mầu Nắng Lụa” được nhạc sĩ Nhất Chi Vũ soạn từ bài thơ của nữ thi sĩ Uyên Thuý Lâm, và được nữ ca sĩ Trúc Tiên, một nghệ sĩ chuyên hát Đờn Ca Tài Tử diễn ca. Những nhận xét và chia sẻ của tôi rất chủ quan vì ba vị này đều là người tôi quen biết và quý mến. Nhất Chi Vũ là chỗ thân tình và chị Uyên Thuý Lâm là bạn văn, tôi có duyên sinh hoạt với chị trong nhiều sinh hoạt văn nghệ và cộng đồng ở Boston, bang Massachusetts, USA. Riêng cô Trúc Tiên (Pháp Quốc), tôi chỉ được nghe cô hát trong CD và liên lạc qua điện thư.
Từ Thơ Đến Ca Khúc. Tôi rất yêu kính những nhạc sĩ sáng tác ca khúc, một loại nghệ thuật phổ thông trong các nền văn hoá nhân loại và có ảnh hưởng đến quần chúng trên nhiều phương diện từ tế tự tôn giáo đến các sinh hoạt đời thường kể cả giáo dục, tình cảm, sinh hoạt xã hội như thương mại và chính trị. Gần đây nhạc sĩ Vũ Hạ từ Pháp Quốc cho tôi tham dự sinh hoạt của nhóm anh chị văn nghệ sĩ Việt Nam qua điện thư và đã có duyên lành được đón nhận những món quà văn nghệ quý hoá từ ca khúc đến thơ văn, và hội hoạ của anh chị em nghệ sĩ trong nhóm. Anh Vũ Hạ cũng đang thực hiện CD gồm những ca khúc được phổ nhạc từ thơ, một sáng kiến hay và đáng được đón nhận. Sáng tạo ca khúc từ một bài thơ có lẽ khó vì mỗi bài thơ đều đã có âm điệu được ẩn sau những dòng thơ. Nếu nhạc sĩ chỉ ký âm cho nhạc điệu có sẵn của bài thơ thì đấy chưa phải là sáng tạo. Nhạc sĩ Phạm Duy, theo tôi, là thiên tài đã dùng âm nhạc nâng cao lời thơ trong nhiều ca khúc bất hủ của ông. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã cố đi theo bước chân Phạm Duy khi phổ thơ nên dù ca khúc có dễ nghe và nhiều thính giả đón nhân, nhưng không tạo ra được mầu sắc hay dáng dấp mới.
Tác giả quyển sách dạy sáng tác ca khúc ở trình độ vỡ lòng giúp những người như tôi học về ca khúc, Rikky Rooksby, viết trong quyển “How to Write Songs on Guitar” rằng một ca khúc được hình thành bằng bốn nguyên tố căn bản: Lời ca (lyrics), giai điệu (melody), hoà âm (harmony), và tiết điệu (rhythm). Bốn nguyên tố này quyện vào nhau để ca khúc được hoàn thành tốt đẹp. Bạn tôi, Nhất Chi Vũ, luôn khẳng định rằng mỗi ca khúc cần sự sắp xếp hợp âm uyển chuyển tiếp nối theo nhau để nâng cao không khí và mầu sắc. Thật ra tôi không đủ kiến thức và thuật ngữ âm nhạc để bàn về ca khúc. Nhưng vì yêu quý các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, nhất là những nhạc sĩ bạn mình nên tôi cứ hồn nhiên chía sẻ cảm nghĩ và nhận xét về thế giới ca khúc.
Trong thế giới ca khúc Việt Nam, có nhiều ca khúc nổi tiếng được các nhạc sĩ sáng tác từ thơ, và một số nhạc sĩ, như Trịnh Công Sơn, viết lời ca rất thơ nên nhiều người hiểu lầm lời của ca khúc nhất quyết phải là thơ. Lời ca có phải là thơ không? Theo G.S. Pat Pattison từ Đại Học Âm Nhạc Berkeley và tác giả bài phân tích có tựa đề “Song Lyrics and Poetry” in trong quyển tuyển tập “The Handbook of Creative Writing” do Steven Earnshaw chủ biên, lời thơ để đọc còn lời nhạc để nghe. Điều này xem ra đơn giản nhưng không phải thế vì thơ hiểu theo nguyên nghĩa là một thể loại nghệ thuật dùng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh, và ẩn dụ để truyền đạt ý của nhà thơ đến người đọc. Lời thơ có thể trừu tượng, mông lung, mập mờ khó hiểu. Đa số ca từ được diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường chuyên chở điều nhạc sĩ muốn diễn đạt qua âm giai, hoà âm, và tiết điệu để gửi thẳng vào thính giác người nghe. Ta có thể khẳng định rằng thi ca Việt Nam có nhiều nhạc tính vì bản chất ngôn ngữ Việt đã có nhạc điệu toát ra từ các dấu chữ. Tuy nhiên, không phải ca từ nào cũng được xem là thơ.
Trở về chủ ý của bài này là giới thiệu ca khúc Màu Nắng Lụa, thơ Uyên Thuý Lâm, Nhất Chi Vũ soạn thành ca khúc và Trúc Tiên diễn ca. Đây là sự kết hợp tốt đẹp của thơ, nhạc, và ca hát. Tôi trân trọng nhận bài thơ, bài nhạc, và chăm chú nghe lời ca được hát lên theo giai điệu Miền Nam. Ngay ở phần mở đầu ca khúc, Nhất Chi Vũ đa mời người nghe bước vào thế giới của Đờn Ca Tài Tử, man mác dư âm Dạ Cổ Hoài Lang. Tôi là tín đồ mới của Vọng Cổ nên sau khi nghe Trúc Tiên hát Màu Nắng Lụa tôi đã ngạc nhiên thích thú vì bạn mình, Nhất Chi Vũ, đã bỏ tâm sức soạn ca khúc từ một bài thơ của một nhà thơ mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Theo tôi ca khúc “Màu Nằng Lụa” chan chứa giai điệu dân ca Miền Nam, cách riêng Đờn Ca Tải Tử và đã được Nhất Chi Vũ kết hợp cả ngũ cung Việt và thất cung Âu Tây làm đẹp thêm lời thơ. Khi soạn ca khúc này, Nhất Chi Vũ đã cố gắng vượt ra ngoài khuôn mẫu để tạo không khí và mầu sắc mới. Nhất Chi Vũ cũng cố tình sử dụng những hợp âm vượt khỏi 3 nốt thông thường để tô điểm lời thơ bằng giai điệu lạ tai.
Mời bạn đọc thưởng thức bài thơ sau đây rồi lắng nghe ca khúc sau cuộc mạn đàm ảo với nhạc sĩ, nhà thơ, và ca sĩ.
MÀU NẮNG LỤA
UYÊN THÚY LÂM
Em hỏi tôi nắng lụa có màu gì?
Tôi tìm nắng qua cành tre lả ngọn
Thân tre vút dáng cong mềm buổi sớm,
Lá biếc xanh nắng óng ánh tươi vàng.
Qua từng mùa ai đợi sắc thu sang
Người đi mãi chưa về qua bến cũ
Có thương nhau dặn lòng đừng ủ rũ
Nắng hoe vàng, nắng lụa trải ven sông.
Tìm về nhau thương biết mấy bên lòng
Con bìm bịp kêu nước ròng nước lớn
Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn
Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông.
Ngày xuống dần vang tiếng trống thu không
Chân trời sẫm màu hoàng hôn tím đỏ
Lòng hoang vu miên man vườn bỏ ngỏ
Cung bậc sầu đồng vọng đến trăng khơi!
Dù mai này hai đứa có hai nơi
Còn ghi khắc luôn trong tim hình bóng.
Một đời người với bao nhiêu khát vọng
Sắt se lòng trong nắng lụa chơi vơi.
Em tôi ơi! năm tháng sẽ dần trôi
Nhưng còn lại ân tình ta thơ dại
Tri ngộ trăm năm duyên thơ thắm mãi
Tay trong tay dìu bước, tím chân trời…
TTM (trần thu miên). Xin Nhạc Sĩ Nhất Chi Vũ cho biết cơ duyên và lý do nào đã chọn bài thơ Màu Nắng Lụa để soạn thành ca khúc?
NCV (Nhất Chi Vũ). Cám ơn Trần Thu Miên quan tâm và ân cần hỏi han về ca khúc Màu Nắng Lụa, từ nguyên nhân gợi ý đưa nhạc vào thơ Uyên Thúy Lâm và đến khi đã được ca sĩ Trúc Tiên Paris diễn cảm hát theo tâm tình “Bậu thương Qua (mà) Qua nhớ Bậu” cung điệu sông nước Miền Nam.
Anh nói “Tôi ngạc nhiên và thích thú. Ngạc nhiên vì NCV đưa dòng nhạc chan chứa âm giai dân ca miền Nam quyện theo tiến trình hợp âm tây phương (progression d’accords / Chords Progression) để chuyên chở và làm đẹp lời thơ. Thích thú vì giọng ca Trúc Tiên nghe có lúc lao xao tiếng lá tre trong gió tưởng như từ bụi tre khóm trúc sân nhà hay ven làng quê xa.
Bỗng dưng thấy vui vui trong lòng vì hình như, bài hát đã thu hút được cảm tình của anh. Tôi nghĩ, có lẽ vì lòng tử tế mà anh tiên đoán phận số cho ca khúc này và nói lớn ra những điều tốt đẹp nhỏ bé dễ thương dường như đã có ai đó sắp xếp dàn dựng trước khi sáng tác.
Thưa, thực tình chuyện đơn sơ thơ mộng hơn một chút. Bài thơ đã chọn chúng tôi chứ đâu phải chúng tôi chọn bài thơ để soạn thành ca khúc. Vì bài Màu Nắng Lụa tự ngôn ngữ thơ đã có nét đăc thù chữ, nghĩa miền Nam và hình ảnh đơn sơ hồn hậu đáng quý lạ thường. Bừng lên sống động một nhu cầu “tưởng nhớ” hồn nhiên tươi tắn hơn ngày trước. Vì thế, thơ mở ra đường đi lối về mới cho nhạc.
“Có thương nhau dặn lòng đừng ủ rũ /Nắng hoa vàng nắng lụa trải ven sông”
“Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn /Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông”
Ca khúc Màu Nắng Lụa nên hình nên dạng còn là nhờ mối thâm tình quen biết giữa người làm thơ có cảm xúc mới lạ tươi tắn và người hát có giọng ca ăn-ý thơ, và rồi người làm nhạc, công việc trở nên nhẹ nhàng, hết sức may mắn. Chúng tôi đã không còn phân vân đưa nhạc vào bài thơ này, đồng thời nối kết phong cách riêng đáng quý từng người, từng sự việc tương ứng cách nào phóng khoáng giản dị hơn cả.
Tôi quen biết nhà thơ Uyên Thúy Lâm qua người em trai trí thức hiền lành và vui tính của chị. Chúng tôi đã cùng nhau sinh hoạt cộng đồng từ thời “nước chảy chia hai” đất khách quê người. Chị Uyên sinh trưởng ở Bạc Liêu, lên thành phố học Đại học Luật khoa và Sư phạm, trở về quê mình giảng dạy Trung học Bạc Liêu. Có lần cựu nhà giáo gặp tôi trong buổi liên hoan ra mắt sách của nhóm bạn hữu. Chị nói với tôi nhự phân bua kỳ nèo “Tui ở Boston miền đất lành chim đậu, tài năng sáng sủa ba bốn nhạc sĩ mà hổng thấy ông nào mạnh dạn phổ thơ Uyên há… Sao anh NC Vũ thế nào?”– “Thưa chị, lu bu bận rộn quá… Có chứ có chứ! Tôi đang có nguyên tập thơ của chị, mà hơn nửa tập gồm các bài thơ hơi hướm chính trị và dùng nhiều chữ Hán Việt điển tích rõ ràng minh bạch y hệt như… một nhà giáo”. Chị cười mỉm chi nói “Cứ viết đi, sửa sang thoải mái”. Thực ra, trước đây sau khi được chị gửi tặng tập thơ tôi đã phổ nhạc một bài gửi “đáp lễ”, và chính chị đã cho thực hiện thu âm ca khúc Tôi Viết Tên Em – do ca sĩ Lan Anh diễn ca. Ý tứ nét nhạc được viết thoáng gọn nương theo thể thức nhạc dân ca Blues Hoa Kỳ. Chị khoe tôi bên Florida có người khen nhạc… có trình độ!? Đó là tôi biết về một người con thương nhớ quê nhà Bạc Liêu.
TTM. Về việc đưa nhạc vào thơ, ca khúc này có gì đặc biệt?
NCV. “Đưa nhạc vào thơ” hình như chưa bao giờ đã có một lề lối, một thế thức liên kết thơ nhạc hay đưa nhạc vào thơ song song với một qui ước thanh nhạc chung cho thể loại “thơ phổ nhạc” này. Long trọng hóa Lời thơ, lời tâm sự lên thành Lời ca (Lyrics). Trước giờ phần nhiều chất liệu, mượn và cải biến từ Dân ca và ứng dụng những điều (hợp khả năng tác giả) về kỹ thuật viết ca khúc (xin hiểu kỹ thuật là thang cấp đi đến nghệ thuật) đã và đang là cổ điển hay tân tiến. Chính vì thế, bài thơ hoặc đoản văn xuôi nào có ý nghĩa và được yêu thích, đã tư định hình một ca khúc theo các hình thức trong tâm trí người viết nhạc.
TTM. Trên phương diện âm nhạc, nhạc sĩ đã có cố gắng gì trong việc làm mới các giai điệu dân ca ?
NCV. Chúng tôi trân trọng tìm về tuyệt tác Dạ Cổ Hoài Lang, cảm hứng từ một bài thơ thương nhớ, nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu đã sáng tác nên một ca khúc có giai điệu độc đáo kỳ diệu, đã gợi ý tươi mới vào nền ca nhạc Miền Nam trên dưới suốt 100 năm qua.
“Từ là từ phu tướng /bảo kiếm sắc phong lên đàng… Hò hò Lìu Xang Xê Cống /…” Chúng tôi nhận ra ngay nét duyên dáng của âm giai Oán miền Nam: Hò Xừ Xang Xê Cống Oan Liu /C Eb F G A Bb C – tương ứng dạng thức Dorian Mode nhạc tây phương: C D Eb F G A Bb C (Dorian là thang âm bậc II của thang âm Chủ thể Trưởng, ví dụ Đô Trưởng có Rê thứ là hợp âm đồng thời là thang âm bậc II)
Như vậy chúng tôi đã nhận diện một bài hát có “tiêu chuẩn mới” hòa-đối-cộng-sinh ưng ý có ý nghĩa. Đều đã thể hiện – rất linh động – bốn phần chính yếu cấu trúc một ca khúc. (1), Lời ca – Melody (dòng nhạc) (2), Hòa âm – Chord Progression (3), Tiết tấu – Rythm (4), Thể thức trình bày – Form. Cả 4 phần cân xứng nhau (như biểu tượng bốn chân bàn hoặc bàn vuông có bốn cái ghế) và ít nhiều có chút ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Ví dụ Lời ca có nét đặc thù của một Âm giai – Scale, hòa âm có âm sắc quality Trưởng hay Thứ…
TTM. Về cấu trúc, có những gì đáng nói riêng về ca khúc này không?
Nương theo tiêu chuẩn một ca khúc tân nhạc chúng tôi bổ túc thêm phần Hòa âm – Chord Progression để diễn tả ca khúc Màu Nắng Lụa. Trình bày trên bài hát chủ yếu là, Tiến trình hợp âm 4 nốt và tĩnh lược, thể gốc (Root Position), đảo trạng (Inversion) và các công năng (Funtion) trong sự chuyển hành, thể hiện qua những vòng hòa thanh từng đoạn nhạc, tạo khác biệt chút ít trong bài hát. Ví dụ: Từ Am D7 Am6 C E Am6 /Từ Am G D7 G /Từ G C D7 Esus4 Am6 (nốt F# là nốt tạo nét đặc thù trong âm giai A Dorian mode).
TTM. Nhạc sĩ nghĩ gì sau khi nghe tác phẩm được Trúc Tiên diễn ca?
NCV. Khi được nghe bản tự thu âm từ nghệ sĩ Trúc Tiên, tôi vội viết điện thư cho cô và phu quân một bạn văn quý mến:
“Tôi cảm động,
Giọng hát Trúc Tiên tuyệt vời hồn nhiên.
Đã cùng tôi tạ ơn Miền bến bờ sông nước hiền và hòa, ngay tự trong lòng ta. Miền dưỡng nuôi nâng niu chúng ta khi thời thuở còn rất trẻ.”
Tôi vốn con dân Bắc di cư 54, sinh trưởng lớn lên từ Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ qua Mỹ tỵ nạn năm 80.
Trúc Tiên quê ở Mỹ Tho, tôi chưa lần biết “trúc ở trên trời” hay trúc đứng một mình, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên nhắc tên cô ca sĩ có tên thật, có vẻ đẹp như dáng người và sắc thái giọng hát trung thực Trần Thị Trúc Tiên, rất VN rất người Việt. Nghe kể gia đình cô sang Pháp lúc cô mới 11 tuổi. Hành trang tinh thần cô mang theo là suốt thời thơ ấu đã được ông nội đàn ca cho nghe và thường xuyên hướng dẫn cô tập luyện những bài bản ca cỗ nhạc đã đang thịnh hành lúc bấy giờ. Thời gian và niềm vui nỗi buồn đời tha hương không toan tính. Cô gái nhỏ ngày ấy nay tự nguyện từ Paris trở lại quê nhà ca hát thu âm với ban nhạc tuyển chọn ưng ý, ghi lại hầu hết trên 20 bản tổ Đờn Ca Tài Tử và cải lương. Góp phần bảo tồn phẩm chất và nâng cao danh dự cổ nhạc. Nghĩa cử thanh cao, gần gũi thiết tha này gây ấn tượng đẹp trong niềm cảm động của quý nhạc sĩ trải nghiệm kỳ cựu bên nhà, họ đã hết lòng chăm sóc nâng đỡ người nghệ sĩ về thăm quê hương này.
TTM. Cảm ơn bạn. Bây giờ tôi xin thưa chuyện với nhà thơ. Chào nhà thơ Uyên Thuý Lâm. Cảm ơn chị đã chia sẻ bài thơ Màu Nắng Lụa. Mỗi sáng tác đều đến từ một hồi ức, có thể gần và rõ, và cũng có thể rất lãng đãng mơ hồ. Xin nhà thơ cho biết nguồn cảm hứng của mình khi sáng tác bài thơ này.
UTL (Uyên Thuý Lâm). Thúy Uyên có sinh hoạt trong 1 nhóm nhỏ bạn hữu Thơ, Văn. Thỉnh thoảng gửi bài đến diễn đàn chung đăng, hoặc ra đề tài cùng nhau xướng – hoạ cho vui. Hôm nọ có một bạn trong nhóm bạn Thơ, viết hai câu gửi cho tôi rồi hỏi “Bạn nghĩ ý thơ trong hai câu thơ sau muốn nói đến điều gì?
“Màu Nắng lụa chưa đi đã nhớ,
Bóng tà huy đổ mực tô trời.‘’
Tôi đọc qua, để đó, rồi quên đi. Vài hôm sau sực nhớ, mình chưa trả lời, dù sao thì cũng phải hồi đáp, dù vài chữ cũng được.
TTM. Theo chị hai câu thơ ấy chuyên chở gì?
UTL. Đọc lại hai câu thơ tôi thấy mông lung và chỉ 2 câu ngắn quá, chưa định được người hỏi muốn đề cập điều gì. Thôi tuỳ cái Cảm Nhận của mình ra sao, thì trả lời ra làm vậy.
TTM. Theo chị Màu Nắng Lụa và Bóng Tà Huy là ẩn dụ về điều gì trong hai câu thơ người bạn gửi?
UTL. Tôi chú ý đến 2 từ : Màu và Tô. Vậy có thể thu xếp như sau:
Câu 1 : Nắng lụa là nắng đầu ngày, nắng buổi sớm mai.
Câu 2: Bóng Tà huy xem như cùng nghĩa với ánh tà dương, nắng buổi xế chiều.
Lời đáp ngắn gọn cho câu hỏi này, là tôi đáp bằng màu của 2 sắc nắng:
Nắng sáng buổi bình minh là màu rạng rỡ SẮC NẮNG ÁNH LỤA VÀNG.
Nắng xế buổi hoàng hôn tô trời là màu TÍM, mà ráng chiều thường ánh lên sắc
rực lửa ( đỏ )cuối ngày trước khi chìm vào bóng tối hoàng hôn, thành màu TÍM + ĐỎ => màu TÍM ĐỎ
Câu 1 — Sắc nắng sớm là Màu Nắng Lụa Vàng.
Câu 2—Sắc nắng chiều buổi tà huy là Màu Tím Đỏ
Có các chi tiết được suy nghĩ tương đối thấu đáo để đáp từ cho 2 câu hỏi của người Bạn thơ rồi.
Nhưng lẽ nào chỉ trả lời ngắn ngủn .Tôi bắt đầu viết câu đầu cho bài Thơ:
Em hỏi tôi: Nắng lụa có màu gì
Tôi nhìn nắng qua cành tre lả ngọn.
Thân tre vút, dáng cong mềm buổi sớm
Lá biếc xanh nắng óng ánh tươi VÀNG.
( đáp: Nắng lụa màu VÀNG ) ……
TTM. Thật ra tôi không hỏi chị người tặng chị hai câu thơ là ai vì muốn sự tưởng tượng của mình được tinh ròng. Theo tôi đấy là hai câu tỏ tình rất hay. Nắng lụa ý nói về một người nữ đài các thanh lịch, duyên dáng dịu dàng. Còn bóng tà huy có thể hiểu như lời tiếc nuối về một cuộc gặp gỡ hay buổi hẹn hò qua đi quá nhanh như nắng hoàng hôn. Tôi rất yêu thích đoạn thơ này:
Tìm về nhau thương biết mấy bên lòng
Con bìm bịp kêu nước ròng nước lớn
Bao nhiêu nước qua chân cầu sóng gợn
Gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông.
Đọc đoạn thơ này tôi hình dung ra một bức tranh đồng quê rất tình tứ lãng mạn. Chị sinh trưởng ở miền quê hương nào?
UTL. Thúy Uyên vốn sinh trưởng ở Bạc Liêu quê hương của bản Dạ Cổ Hoài Lang của Nghệ nhân Cao Văn Lầu, tiền thân bản Vọng Cổ.
TTM. Như vậy chị đã được lớn lên với không gian của Đàn Ca Tài Tử và Vọng Cổ.
UTL. Từ thời tiểu học mình đã đuợc nghe đờn ca Tài Tử Nam Bộ, nghe bản Vọng cổ, nghe câu hò trên sông trên đồng ruộng, nghe điệu Lý Con Sáo, nghe điệu Hoài Tình, …văng vẳng làng trên xóm dưới.
Và rồi hình ảnh những dòng sông đục màu phù sa, lục bình trôi nổi, cây mù u, con chim bìm bịp kêu nước ròng nước lớn, hình ảnh vườn cau, luống rau, đồng lúa …đã thấm đẫm trong tâm tình của người dân miền sông nước. Và tình yêu đôi lứa trong đời, dù đẹp duyên hay cách trở, vẫn ghi lòng ân tri ngộ buổi thanh xuân…
Các hình ảnh âm thanh quen thuộc đó đi vào một số bài viết của UTL dễ dàng và tự nhiên như dòng chảy của sông Tiền, sông Hậu miền Tây.
Do vậy mà Bài thơ MÀU NẮNG LỤA chứa đựng ít nhiều cảm xúc của UTL được viết và hoàn tất khá nhanh sau đó.
TTM. Xin hỏi thêm là chị bắt đầu làm thơ từ thuở nào?
UTL. Tôi làm thơ viết văn rất sớm, khi còn đi học. Năm 17 tuổi, học năm cuối Trung học tôi có gửi bài Thơ đi dự thi. Tôi may mắn ĐẠT GIẢI NHẤT cuộc Thi Văn Thơ của Tỉnh nhà, với bài thơ là 1 trong mươi bài thơ đầu tiên của tôi trong tuổi học trò.
Học xong Đại học tôi về giảng dạy môn Văn tại Trường Trung Học Công Lập tỉnh nhà, tôi có điều kiện để dễ sáng tác thêm về văn thơ. Biến cố 30 tháng 4, cuộc sống nhiều dời đổi khó khăn, tôi phải lo nuôi cho các con trưởng thành nên tôi ngưng sáng tác.
Tôi viết lại khoảng mười mấy năm gần đây.
TTM. Chị hay quá, 17 tuổi được giải thưởng thơ là một vinh dự lớn. Chúc mừng chị. Tôi cũng thích sáng tác thi ca, nhưng cả đời làm thơ, viết văn, làm nhạc lung tung beng của tôi chỉ được một cô sinh viên tỏ lòng yêu mến, nên tôi thường nói với bạn bè là cô sinh viên ấy đã trao tôi giải thưởng tuyệt vời nhất đời mình. Bây giờ, xin chị cho độc giả biết sơ qua về sinh hoạt thi ca của chị nhá.
UTL. Tôi gửi sáng tác đăng ở các Trang WEB tại Washington D.C. Đăng bài tại trang Web ở Bắc Cali , và Trang Web Ái Hữu Bạc Liêu Nam California. Thêm nữa tôi đăng bài tại Hội VNTD Florida, và trên vài Trang Mạng tại Boston. Tôi đã xuất bản Thi Tập “Trăng Nước Bến Bờ Xưa’’ vào năm 2015. Đã có trên 36 Bài thơ của Uyên Thúy Lâm may mắn đuợc các Nhạc sĩ phổ thành Bản nhạc.
TTM. Cảm ơn chị. Có lẽ chị cũng đồng ý với tôi là Nhất Chi Vũ đã khéo soạn thành ca khúc từ bài thơ của chị để người nghe cảm được giai điệu dân ca quyện vào những câu thơ của chị.
Bây giờ tôi xin được hỏi ca sĩ Trúc Tiên về cảm nghĩ của cô khi nhận được bài hát Nhất Chi Vũ trân trọng gửi gấm?
TT (Trúc Tiên). Trúc Tiên thích những giai điệu Đàn Ca Tài Tử vì nét cổ, xưa và quý của Việt Nam mình. Nhưng khi Trúc Tiên hát những điệu ấy vẫn muốn thêm một chút gì đó mới mới, rất tân của thời này, một chút gì đó rất “Trúc Tiên”. Lần đầu cầm bản nhạc Màu Nắng Lụa trên tay, TT nhận ra những ca từ quen thuộc thân thương của miền sông nước: “cây mù u…”, “gió đẩy câu hò, nhớ bậu mênh mông“… Và cách xưng hô “Tôi” và “Em” nghe xa mà gần.
TTM. Cô có thấy liên hệ nào giữa Đàn Ca Tài Tử và ca khúc Màu Nắng Lụa không?
TT. Các cụ xưa viết những bài Đàn Ca Tài tử theo thể kể chuyện, bài thơ Màu Nắng Lụa cũng vậy, ngắn thôi, nhưng đủ kể cho người nghe một chuyện tình thơ mộng.
TTM. Còn trên phương diện âm nhạc thì sao?
TT. Khi nhận được bài hòa âm TT rất ngạc nhiên thích thú với “hương vị” vừa cổ vừa tân của bài nhạc. Thoạt đầu TT hơi ngại chút vì hình như lời bài hát dành cho… nam giới. Nhưng càng tập thì TT có cảm tưởng là lời của hai người nam nữ đang thủ thỉ với nhau chứ không riêng tâm sự một người: « Có thương nhau, dặn lòng đừng ủ rũ…», chắc đó là mầu nhiệm của nhạc quyện với ca từ, có như nhạc ôm lấy lời an ủi : « Tri ngộ trăm năm duyên thơ thắm mãi, mơ trong tay dìu bước tím chân trời…» Rằng là một chuyện tình buồn nhưng Trúc Tiên không cảm thấy lạnh, họ yêu nhau đến thế cơ !
TTM. Tôi tình cờ được xem cuộc phỏng vấn đài RFA dành cho cô liên quan đến sinh hoạt nghệ thuật của cô. Xin cô chia sẻ đôi điều về các sinh hoạt văn nghệ của cô được không?
TT. Thưa anh, ở phần trên anh có nhắc đến những giai điệu Miền Nam ngọt ngào trữ tình nhưng nếu « không biết thì sao mà yêu được ». Trúc Tiên cũng nhận ra được điều này ở Paris, khi nói đến Đàn Ca Tài Tử thì hầu hết, người mình chỉ hình dung đến câu Vọng Cổ hay Cải Lương, có người còn nghĩ là thể nhạc « hát rong » chắc vì từ « tài tử ». Chứ hiếm có ai nghĩ đến Đàn Ca Tài Tử có gốc rễ từ Nhã Nhạc Cung Đình và là tiền thân của Vọng Cổ sau này. Cách đây ba năm, Trúc Tiên cho ra đời chương trình Đàn Ca Tài Tử « Thương » như kể lại một câu chuyện gia đình từ những Bài Bản Tổ của ông bà mình để lại, mong thông điệp « Biết Mới Thương » đánh động mọi người gần xa góp tay giữ gìn thể nhạc cổ này. Và Trúc Tiên vẫn tiếp tục « như một người hát rong » đi kể chuyện đời xưa cho bà con nghe, cứ thế « nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử Lục Vân Tiên » được ra mắt khán giả Paris năm 2019. Năm 2020, Trúc Tiên làm gan hơn phổ truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ra nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử, nhưng vì nạn « Cô Vi » nên « Cô Kiều » đành phải dời… không biết đến bao giờ mới diễn được, gian truân là thế : « Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời »…
TTM. Tôi mong sẽ được thưởng thức công trình về Kiều của cô. Đây là việc đáng được quan tâm, nhất là trong các cộng đồng người Việt Nam biệt xứ. Chúng ta có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng nền văn hoá mới cho con cháu chúng ta, những thế hệ được sinh ra ở các miền đất không phải Việt Nam. Hy vọng cô sẽ thực hiện một chương trình Đàn Ca Tài Tử về các câu chuyện người Việt Nam đang sinh sống ở Âu Châu hay những xứ sở khác. Để chấm dứt cuộc mạn đàm văn nghệ giữa thơ, nhạc, và diễn ca, tôi xin hỏi thêm rằng cô nghĩ gì về nhạc NCV?
TT. Theo Trúc Tiên thì hát nhạc của nhạc sĩ Nhất Chi Vũ không dễ chút nào, phải nói là khó ơi là khó luôn ! Gởi bài đi đến anh mà Trúc Tiên lo, lo lắm vì khi hát ca khúc này, có hơn một lần Trúc Tiên để quên “tâm tư” mình vào đó, rồi tự ý tham lam “để dành” cho riêng mình một hai note nhạc, mong nhạc sĩ vui lòng tặng cho Trúc Tiên, nhé!
TTM. Cảm ơn những chia sẻ của cô thật nhiều.
Tôi đồng ý với cô Trúc Tiên là các ca khúc của NCV thường khó hát. Nhưng nghĩ kỹ lại bài hát dễ hát được nhiều người hát chưa hẳn là bài hát hay. Bài hát khó hát và không được phổ biến rộng, chưa hẳn là bài hát dở. Tôi có cái nhìn rất thực tế về nghệ thuật. Tác phẩm cũng như món ăn, có món ăn cần thời gian để làm quen rồi ta mới thưởng thức được hương vị tuyệt vời dù lần đầu ăn, ta đã bị dội. Có món ta ăn hàng ngày, nhưng chưa hẳn là ngon. Theo tôi một ca khúc sáng tác từ một bài thơ cần sự đồng cảm giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Có nhạc sĩ khi chọn bài thơ để phổ nhạc thì giữ nguyên bản thảo của bài thơ. Việc này không cần thiết mà có thể làm mất tính nghệ thuật. Viết một ca khúc là sáng tạo, và sáng tạo thì phải vượt ra ngoài các khuôn khổ có sẵn. Nếu nhạc sĩ không vượt ra khỏi âm điệu sẵn có của bài thơ thì việc phổ nhạc chẳng khác gì ký âm thôi. Nhạc sĩ có thể chỉ dùng một vài đoạn của bài thơ hay tự xếp đặt lại các câu thơ theo dòng sáng tạo của mình. Tôi nghĩ Nhất Chi Vũ khi phổ nhạc bài Màu Nắng Lụa có thể rập theo khuôn của Dạ Cổ Hoài Lang hay các câu Vọng Cổ nề nếp, nhưng làm vậy thì không phải là sáng tạo. Sau khi ca khúc phổ thơ được hoàn thành, ca sĩ đóng góp phần quan trọng để chuyển đến thính giác người nghe vì bài hát không để nhìn hay đọc nhưng để hát và nghe. Việc sử dụng nhạc khí theo sự xếp đặt của vòng chuyển hành hợp âm cũng rất quan trọng để nâng cao tiếng hát của ca sĩ và tô thêm màu sắc cho lời ca. Tôi nghĩ ca khúc Màu Nắng Lụa sẽ có một chỗ đứng lâu dài vì Nhất Chi Vũ đã sáng tạo một ca khúc có đầy đủ yếu tố của một bài ca hay. Các nhạc sĩ phối khí và ca sĩ có thể tự mình làm đẹp thêm bài ca theo cảm xúc riêng.