Linh Tinh

Tản Mạn Về Bài Viết Bùi Giáng – Người Thơ Rong Chơi Cuối Chân Trời –

 

Nhà văn Cung Tích Biền đã viết:

… Hiểu về Bùi Giáng đã khó, viết về Ông thật khó vô cùng, nhất là Cõi Thơ riêng Ông.
Phải có một cảm hứng sâu đậm, và cũng ‘miệt mài’ lắm, ngưới viết mới chọn viết về Bùi Giáng! Có lẽ vậy
.”

Vậy mà VH Tạo Ân đã viết, và còn cho chúng ta đọc một bài viết đẹp và thật công phu nữa kia.

Anh đã mở đầu bài viết về Nhà Thơ Bùi Giáng bằng hai câu đầu của bài ChàoNguyên Xuân:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau…

Và Tạo Ân đã xoay một vòng luân vũ khá điệu nghệ, tỉ mỉ, chu đáo với hai câu lục bát này. Hai câu mà, nhắc đến danh Bùi Giáng, thường ai cũng liên nghĩ đến.

Tạo Ân viết rằng Anh đã “bổ câu thơ ra làm đôi, chẻ ra làm tư…” để tìm nghĩa hai chữ “miên trường”, hai chữ thật sự không chỉ riêng Anh, còn nhiều độc giả (cả tôi) thấy hay quá, mà không biết… tại sao nó hay!

Rồi Anh chiết tự ra để tiếp cận cho được cái ngữ nghĩa bí ẩn của tác giả còn để đâu đó đằng sau.

Tôi cũng chưa quên sự xúc động của mình, ngày xưa ở tuổi đôi mươi, khi lần đầu tôi đọc Bùi Giáng, đọc Chào Nguyên Xuân và bâng khuâng rất lâu trước các câu thơ này, đặc biệt với hai chữ “miên trường”.

Như vừa chạm phải sợi tơ vàng! Tiếng tơ ngân rung xao động lòng người. Thơ có sức âm vang trong tâm tư người đọc ngay lần đầu tiên. Dù chỉ là cảm nhận và rung động, chứ chưa thể nào là “thấu hiểu”…

Bùi Giáng sử dụng ngôn ngữ ra ngoài quy ước. Bùi Giáng ngộ thức ngôn ngữ, Ông đã tặng cho đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, trùng trùng một biển văn chương… Bùi Giáng “lậm” Kiều. Bùi Giáng rong chơi như trong một hành trình vô định. Và cũng tư bề khó hiểu!

Rồi Tạo Ân nghĩ là khi Anh gần như đã giải mã được hai câu thơ bí ẩn sau nhiều chục năm, cũng là lúc Anh đồng thời khám phá ra rằng hai chữ “miên trường” đã vơi đi ít nhiều mầu nhiệm!

Tôi nghĩ hơi khác một chút, là không vơi đâu, người viết TA ơi! Tôi lại thấy, dù qua bao soi rọi, kiếm tìm, những câu thơ đó, từ ngữ đó vẫn tuyệt hay. Khi đọc trở lại, câu thơ BÙI GIÁNG vẫn như sẽ còn giữ được mãi nét… nhiệm mầu tiên thiên mà thơ đã có, đã cuốn hút người đọc như từ thuở ban đầu.

Ai khen cứ khen. Ai chê cứ chê. Nhiều người đã viết về Ông. Và còn nữa những người sẽ viết tiếp, như chuỗi mong muốn khám phá bất tận. Mà nay thì Bùi Giáng đã:

Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
.”

Còn Hoàng Nguyên Nhuận thì viết: “Thơ Ông là một chén thuốc đắng dịu dàng chỉ dành cho những người liều ham thắc mắc vấn nạn…”

Hôm nay, có phải Tạo Ân đã viết với sự rung cảm thực sự của người thưởng thức, kiếm tìm? Và cũng phần nào chăng Anh đã “bị” chén-thuốc-đắng-dịu-dàng ấy cuốn hút bấy nay?

Hay vào một chiều nào đó Anh thấy như đã hòa nhập được tâm tình mình với cuộc rong chơi đằng đẵng của Bùi Giáng. Lúc mà phong sương đã trải, được thua ít nhiều đã từng, có phải người ta dễ đi gần đến ý niệm xem việc đời không có gì là quá quan trọng nữa.

Sao lại phải theo một khuôn mẫu nhất định. Sao phải hành xử cho vừa lòng mọi người, cho phù hợp với các giá trị mà chung quanh chấp nhận từ lâu? Lề thói thì đã cũ kỹ sáo mòn. Mà cuộc thế đổi thay từng giờ, từng phút.

Sao không là: Đến, được tự nhiên lừng lững sống, hát ca khi cần, nói viết những gì mình thích, mình cảm nhận được. Nghĩ sao thì làm vậy. Theo cái cách riêng của mình. Đến ngã ba đường để sau đó sẽ là định mệnh nổi trôi, là tiếp tục cuộc hành trình vô định.

Rồi khi đến ngõ cuối, đoạn cuối thì Đi. Ra đi. Như muôn đời nay mỗi người sau cuộc rong chơi ai rồi cũng sống gửi, thác về…

Người Thơ rong chơi cuối chân trời như vậy, gần như tung hê mọi thứ, bất chấp,không màng. Trông cái vẻ ngoài không giống ai, bất cần đời tưởng như khi điên khi tỉnh ấy, biết đâu nhà thơ Bùi Giáng lại đã đạt được “tỉnh thức” sớm sủa hơn người!…

VH Tạo Ân nói đã đọc Bùi Gíáng từ lâu, đã nghe tâm tư ngân rung và cảm xúc đặc biệt với thi ca, cách sống, hành trình, tài năng của Ông nên Anh mới chọn BÙI GIÁNG làm đề tài.

… Nhưng tôi vẫn mong được một lần nghe Anh xác định. Rằng sắc mầu âm thanh nào, lời thơ ý tưởng nào, hay cung cách thể hiện ra sao ở thơ Bùi Giáng đã cho Anh niềm cảm xúc miên man sâu lắng nhất. Những điều gì trong thơ văn Ông gợi được nơi tâm tư Anh sự ngân rung đồng điệu, chan chứa hòa thanh. Để Anh sớm muộn rồi cũng sẽ phải chọn viết về Người Thơ Rong Chơi cuối trời quên lãng này…

Hỏi người viết Tạo Ân mà cũng là hỏi lại niềm xao động của chính tâm tư mình, trước một Người Thơ tài hoa thâm trầm bí ẩn. Người mà thơ Ông kỳ diệu như tới cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ.

Chúng ta thử tìm đọc lại vài đoạn thơ của Bùi Giáng:

Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng.
Hồn hoa cỏ phượng thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không.

(Hư vô và vĩnh viễn – Bùi Giáng)

Hay:

Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc
Nào phải không? Lệ chảy có vui gì.
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi dòng, ngàn thu hận ra đi.

(Bùi Giáng)
………

Mùa xuân hẹn thu về em trở lại.
Bến đời đi còn giữ mãi hay không
Dòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng…

(Xuân Thu Trang Phượng – BG)

Một khối trầm hương chữ nghĩa! Và sự uyên bác thật là đến tận cùng.

Lý luận và cảm nhận Thơ Văn, Hành Trình Bùi Giáng là riêng tư của Anh. Nhưng bài viết như đã giúp tôi tìm lại được niềm rung động thanh khiết, dịu dàng như đã có, lần đó năm nào trong Thư viện Sài Gòn. Chiều chiều sau giờ học ở giảng đường, tôi mải miết tìm đọc thơ BÙI GIÁNG, (cũng như vẫn tìm đọc “tùm lum tá lả” thơ văn khác nữa….) Đọc triền miên, dù chưa chắc mình đã hiểu thấu được phần nào, câu chữ Ông đang dùng, ý tình Ông muốn tỏ.

Một thoáng, bài viết của Anh như đưa tôi quay về khung trời cũ, Thư Viện Sài Gòn xưa những chiều lá đổ. Nhiều buổi không vào ngồi trong phòng đọc sách rộng, tôi hay mang theo cặp sách sau buổi học, một mình ra ngồi ở lối cầu thang vòng cung có trải thảm. Thảm cũ đã phai màu trải theo cầu thang và hành lang vắng vẻ. Học bài xong, tôi lại ngồi đọc thơ Bùi Giáng. Trong ánh nắng chiều nhạt dần buổi cuối ngày, nhìn xuống đường, mỗi cơn gió thổi qua cuốn theo nhiều lá rụng rơi. Tôi còn như nhớ cả âm thanh rì rầm của tiếng xe di chuyển dưới đường phố vọng vang từng ngày.

Có những chiều, tôi miên man nghĩ đến các bạn thời còn ở trung học.

Còn nơi giảng đường đại học, cứ mấy tuần trôi qua lại vắng mặt một vài nam sinh viên. Ít lâu sau hỏi lại bạn bè có liên hệ, mới hay các anh đã vào quân trường, đã lên đường nhập ngũ. Và giờ đây vai ba lô tay súng, các anh đang dãi dầu nơi chiến trường xa. Các anh đang dâng trọn tuổi trẻ cho đất nước. Chính nhờ vào sự hy sinh đó của các anh chúng tôi mới còn được tạm yên ổn mà học tập ở nơi này.

Sài Gòn vẫn tạm yên bình, Sài Gòn chưa rộ vang tiếng súng. Dù thỉnh thoảng đặc công cộng sản đã đặt cài bom vào các cư xá nơi ở, nơi làm việc để giết các viên chức cố vấn Mỹ, họ pháo kích vào thành phố, pháo kích vào trường học làm chết nhiều học sinh tiểu học. Rải rác bom mìn cộng sản nổ trên quốc lộ, nổ ở phòng trà quán bar làm chết nhiều thường dân vô tội.

Rồi cuộc chiến lan rộng khắp nơi, lan từ nông thôn đến thành thị ngày một khốc liệt hơn.

Thời thanh xuân của lớp tuổi chúng tôi lớn lên cùng lúc với Việt Nam đang ngập tràn chinh chiến. Trận chiến ngày càng sục sôi máu lửa. Những cuộc tình lứa đôi không trọn, bao nhiêu là mất mát đổ nát tang thương. Những năm tháng đó không ai biết được ngày mai những gì sẽ xảy đến cho mình và cho cả quê hương…

Mới thoáng đó mà đã mấy mươi năm qua rồi.

Xin cảm ơn VH Tạo Ân về bài viết “Bùi Giáng – Người Thơ Rong Chơi Cuối Chân Trời”. Bài Anh viết như đã đưa tôi về gặp lại nơi chốn ấy, ngày đó lâu rồi.

Bài viết rất đẹp, thật công phu mà quý độc giả đã thưởng thức trước đây, tại mục Thơ Văn trên Trang Gia Đình Mũ Đỏ Hoa Thịnh Đốn và Phụ Cận này./.

UYÊN THÚY LÂM